Yêu cầu bộ trưởng Tư pháp giải thích việc thu hồi đất tại Sông Lô Nha Trang
yeu-cau-bo-truong-tu-phap-giai-thich-viec-thu-hoi-dat-tai-song-lo-nha-trang

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân vừa chuyển đơn kiến nghị của công dân đề nghị bộ trưởng Bộ Tư pháp giải thích về quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà tỉnh đã căn cứ để thu hồi đất của dân tại Sông Lô, TP Nha Trang.

yeu-cau-bo-truong-tu-phap-giai-thich-viec-thu-hoi-dat-tai-song-lo-nha-trang
Người dân tại Sông Lô, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) trình bày bức xúc tại cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chiều 22-10-2004 – Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Ngày 28-4, ông Nguyễn Văn Bình (đại diện nhiều hộ dân đã bị thu hồi đất tại Sông Lô, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết đã nhận được thông báo của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) về đơn kiến nghị của dân gửi cho ông.

Căn cứ quyết định cho thuê đất để thu hồi đất tại Sông Lô Nha Trang

Trên địa bàn Sông Lô, Nha Trang, ông Bình cùng với 197 hộ dân khác đã bị chính quyền địa phương thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất để giao cho Công ty TNHH thương mại và xây dựng Hoàn Cầu thực hiện dự án kinh doanh khu du lịch và giải trí.

Theo thông báo của tỉnh Khánh Hòa và UBND TP Nha Trang, quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 9-3-2001 do Phó thủ tướng Nguyễn Công Tân ký ban hành là căn cứ để thu hồi đất của 32 hộ dân trong số đã nêu để thu hồi đất.

Văn bản này là quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho Công ty TNHH thương mại – xây dựng Hoàn Cầu thuê đất để đầu tư xây dựng khu du lịch và giải trí Sông Lô, tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thu hồi 1.802.064m2 đất (hơn 180ha) tại Sông Lô và cho Công ty Hoàn Cầu thuê hơn 170,08ha trong diện tích đất đó để thực hiện dự án trên.

Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành vào thời điểm đó đã quy định rằng “việc giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó” (điều 21) và một trong 7 nghĩa vụ mà người sử dụng đất phải thực hiện là “giao lại đất khi nhà nước có quyết định thu hồi đất” (khoản 7, điều 79).

Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa và UBND TP Nha Trang không ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định tại các điều luật đã nêu, mà chỉ thông báo thu hồi đất của tất cả trường hợp trong dự án trên.

Không ban hành quyết định thu hồi đất gây khó cho dân

Sau đó, theo “ủy quyền cưỡng chế” của tỉnh Khánh Hòa, phó chủ tịch UBND TP Nha Trang Mai Xuân Hưng khi ấy còn ký ban hành hành loạt quyết định cưỡng chế đối với các hộ dân “do không chấp hành đầy đủ và đúng thời gian về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo quyết định 252/QĐ-TTg ngày 9-3-2001 của Thủ tướng Chính phủ”.

Thế nhưng, theo báo cáo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (số 489/BC-TTCP ngày 7-3-2006), “về quyết định 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ nhận thấy đối tượng bị thu hồi đất không được nhận quyết định và nội dung quyết định cũng không nêu danh sách kèm theo.

Sau đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của tỉnh Khánh Hòa cũng không ban hành quyết định thu hồi đất cụ thể đối với từng hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất”.

Theo Thanh tra Chính phủ, đó là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho người dân thực hiện quyền khiếu nại của mình theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, dẫn đến các hộ dân tại khu vực giải tỏa khiếu nại tập thể đông người hết sức gay gắt, kéo dài, gây trở ngại cho công tác giải tỏa, đền bù.

Ông Bình và những hộ dân bị thu hồi đất hoặc bị cưỡng chế thu hồi đất cho rằng quyết định 252/QĐ-TTg không phải là quyết định thu hồi đất đối với họ nên đã khiếu nại, tố cáo kéo dài trong 21 năm qua.

Ông Bình đại diện các hộ dân trên đã gởi đơn kiến nghị và đề nghị đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân giúp dân chuyển đến Chính phủ đề nghị giải thích về tính pháp lý của quyết định 252/QĐ-TTg.

Căn cứ theo quy định, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã chuyển đơn kiến nghị đó của dân đến bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị giải thích như đã nêu.

Phan Sông Ngân | Tuổi Trẻ

Related Posts